; ;

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là không thể chấp nhận!

Chị Nguyễn Thị Oanh, Ủy viên ban chấp hành phũ nữ xã – Bí thư chi bộ xóm Tân Tiến, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình nói về công việc của mình.

Điều làm tôi quan tâm đến phong trào phòng chống bạo lực là xuất phát từ bản thân đã từng là nạn nhân bạo lực và phần nào thấu hiểu được sự cần giúp đỡ của người bị bạo lực, vì tâm lí người bị bạo lực rất hoang mang lo sợ, không biết cách phòng tránh bạo lực xảy ra với bản thân và con cái, nên đa phần phụ nữ bị bạo lực đều cam chịu, có người không cam chịu dẫn đến bị tử vong, có người tự tử, và nhiều trường hợp mắc bệnh trầm cảm, nên tôi quyết định tham gia vào phong trào phòng chống bạo lực để góp một phần nào đó hỗ trợ cho chị em bị bạo lực trong và ngoài xã.

Đồng hành cùng với CSAGA trong nhiều năm qua, tôi đã ngày càng thấu hiểu được tầm quan trọng của việc không im lặng trước bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Bản thân tôi là một cán bộ phụ nữ xã nên sự tiếp cận với các chị em dễ dàng hơn, tôi đã phối hợp với các Chi hội trưởng phụ nữ xóm thành lập Nhóm hỗ trợ nạn nhân bạo lực. Thông qua các buổi tập huấn kiến thức của CSAGA, tham gia các phong trào, các buổi tuyên truyền, các hội thảo trong và ngoài tỉnh về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tôi đã hướng dẫn mọi người trong nhóm cách tiếp cận với nạn nhân, cách tư vấn, hỗ trợ nạn nhân xây dựng kế hoạch an toàn và giúp nhiều người thoát khỏi bạo lực. Sau một năm hoạt động nhóm chúng tôi đã thành lập được câu lạc bộ những người bị bạo lực, thông qua các chương trình như phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, hoặc câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Sau một thời gian hoạt động chị em đã mạnh mẽ hơn và đã dần cải thiện cuộc sống của họ nên từ 15 thành viên khi thành lập, câu lạc bộ hiện đã tăng lên 30 thành viên (mọi thành viên đều do Chi hội trưởng lựa chọn và vận động). Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn mỗi tháng mỗi lần, thông qua các buổi sinh hoạt, tôi đã nắm bắt được tình trạng bị bạo lực của từng thành viên và lên kế hoạch hỗ trợ cho từng trường hợp.

Tại địa phương, tôi đã và đang thực hiện nhiều hoạt động như lập kế hoạch báo cáo lãnh đạo xã, phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ để tuyên truyền pháp luật đến mọi người, xây dựng các vở kịch có nội dung về bạo lực dựa trên những câu chuyện có thật nên đã tác động không nhỏ đến người dân cộng đồng. Từ đó Nhóm hỗ trợ bạo lực do tôi làm trưởng nhóm đã hỗ trợ được rất nhiều cặp vợ chồng, bố mẹ bạo lực con, con bạo lực bố mẹ và mẹ kế bạo lực con chồng, chính nhờ sự hỗ trợ từ các cấp các ngành và sự phấn đấu học hỏi của bản thân tôi cũng như Nhóm hỗ trợ nên các hoạt động đã có nhiều hiệu quả, góp phần đóng góp đáng kể vào phong trào phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em trong và ngoài xã hội nói riêng và của xã hội nói chung.