; ;

Cuộc thi sáng tác truyền thông “Tôi lên tiếng – Tôi hành động”

Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái (BLPN&TEG) là một vấn đề phức tạp bởi nguyên nhân, ảnh hưởng và mức độ tác động của nó đối với đời sống cá nhân, cộng đồng và sự phát triển của xã hội. BLG đối với PN&TEG có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong gia đình, nơi làm việc, tại trường học, trong không gian công cộng hay trên không gian số. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy mặc dù bạo lực có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

Các định kiến và khuôn mẫu giới truyền thông tiếp tục dung dưỡng cho những hành vi bạo lực, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân làm cho mức độ chấp nhận bạo lực có xu hướng tăng lên, đồng thời bao biện cho các hành vi bạo lực. Các thách thức này đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho truyền thông trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao nhận thức của cộng đồng và người bị bạo lực, đưa ra các giải pháp để ứng phó và giải quyết các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, truyền thông xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút sự quan tâm của cộng đồng, khuyến khích công chúng, đặc biệt là giới trẻ làm theo các thực hành giới tích cực và xây dựng môi trường xã hội an toàn cho mọi phụ nữ và trẻ em gái trong không gian gia đình và nơi công cộng.

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh trên cơ sở cộng tác với đơn vị truyền thông chính của cuộc thi là Báo Phụ nữ Việt Nam đã phát động cuộc thi: “Tôi lên tiếng - Tôi hành động” với thông điệp “Bạo lực huỷ hoại yêu thương, sẻ chia khơi nguồn hạnh phúc” nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông có thể chia sẻ trên không gian số, truyền tải các thông điệp nhằm ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực đối với PN và TEG.

Sau 5 tuần phát động, cuộc thi tiếp cận được hơn 113.000 người, với 26.000 lượt yêu thích, hơn 17.500 lượt tương tác bình luận và gần 40.000 lượt chia sẻ. Ban tổ chức đã nhận được 105 bài dự thi, trong đó, 75 bài tham gia thể loại hình ảnh/hình vẽ thiết kế, 24 bài tham gia thể loại video clip và 06 bài dự thi theo nhóm biểu tượng cảm xúc (emoji/ emoticon). Các bài thi cũng đã nhận được những sự quan tâm và thích thú rất lớn đến từ những người dùng mạng xã hội với 38.068 lượt chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau, bao gồm Facebook và TikTok.

Một số hình ảnh trong lễ trao giải cuộc thi: